Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học "Cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Thủ Đức"

Cập nhật ngày: 07/01/2022
Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định 04 chương trình phát triển Thành phố với 3 chương trình đột phá và 01 chương trình trọng điểm định hướng đến 2030. Trong đó chương trình đột phá thứ nhất về Đổi mới quản lý Thành phố Hồ Chí Minh với nội dung cụ thể gồm 12 đề án và 02 chương trình thành phần nhằm mục tiêu chủ động xây dựng, kiên trì kiến nghị, triển khai các cơ chế, chính sách quản lý Thành phố phù hợp tính chất đô thị đặc biệt, đầu tàu về nhiều mặt của cả nước. Một trong những nội dung trọng điểm của chương trình là Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức thông qua bằng Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 ngày 09/12/2020 tạo cơ hội cho Đảng bộ và chính quyền Thành phố từng bước hoàn thiện về cơ chế, chính sách, thể chế để quản lý, phát triển Thành phố trong bối cảnh, điều kiện mới.

   Sáng ngày 07 tháng 01 năm 2022, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Thủ Đức” để tổng kết về lý luận cũng như định hướng mô hình phát triển, cơ chế, chính sách quản lý phù hợp cho bộ máy chính quyền thành phố mới.

   Chủ tọa Hội thảo là PGS.TS. Nguyễn Tấn Phát - Thành ủy viên, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Cán bộ; PGS.TS. Nguyễn Văn Y - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ và TS. Trần Tuấn Duy - Đảng ủy viên, Trưởng khoa Khoa Luật, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

   Đại biểu tham dự, về phía lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận huyện, thành phố có đồng chí Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Thành phố Thủ Đức; đồng chí Hoàng Tùng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Thủ Đức; đồng chí Lê Xuân Viên - Phó trưởng Ban Đô thị Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Minh Nhựt - Phó Trưởng Ban Văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thắm - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh.

   Về phía các trường đại học, viện nghiên cứu, trường chính trị, có sự tham gia của các giảng viên Học viện Chính trị khu vực IV; Trường Đào tạo Cán bộ Lê Hồng Phong, Hà Nội; Trường Đại học Trần Đại Nghĩa; Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Nội vụ; Trường Chính trị tỉnh Tây Ninh; Trường Chính trị Phạm Hùng tỉnh Vĩnh Long, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

   Tham dự hội thảo còn có đại diện lãnh đạo phòng, khoa, trung tâm, giảng viên, viên chức của Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh.

   Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tấn Phát - Thành ủy viên, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Cán bộ khẳng định mục tiêu của Hội thảo là góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025; đồng thời, tạo diễn đàn khoa học để các nhà khoa học, nhà lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, học viên, sinh viên trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu liên quan đến chủ đề Hội thảo; đề xuất các giải pháp cụ thể, đặc thù, phù hợp trong việc vận hành mô hình Thành phố Thủ Đức nói riêng và nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển bền vững Thành phố Hồ Chí Minh nói chung đáp ứng yêu cầu đổi mới.

   Ban Tổ chức đã nhận được 32 bài tham luận, trong đó có 27 bài tham luận khoa học đáp ứng các yêu cầu và nội dung Hội thảo của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học được in thành Kỷ yếu, tập trung vào hai chủ đề chính:

   Thứ nhất, những vấn đề chung như: lý luận về quản lý đô thị; chính quyền địa phương, thành phố trong thành phố, chính quyền địa phương tự quản; những vấn đề đặt ra đối với xây dựng thể chế trong giai đoạn hiện nay; cơ hội và thách thức đối với đô thị tự quản, thành phố trong thành phố trước bối cảnh, điều kiện mới; xu hướng và kinh nghiệm quốc tế về mô hình đô thị tự quản, mô hình thành phố trong thành phố; phân cấp, ủy quyền trong quản lý đô thị giữa chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Thủ Đức; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đô thị sáng tạo.

   Thứ hai, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách quản lý và phát triển bền vững Thành phố Thủ Đức như: định hướng, chiến lược phát triển Thành phố Thủ Đức; xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thành phố Thủ Đức; cơ chế phân cấp, ủy quyền trong thực hiện mô hình chính quyền đô thị; mô hình thành phố trong thành phố tại Thành phố Hồ Chí Minh; cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách cho Thành phố Thủ Đức; cơ chế quản lý đất đai hiệu quả tại Thành phố Thủ Đức; cơ chế, chính sách để phát huy tiềm năng, đặc thù, lợi thế riêng của Thành phố Thủ Đức; cơ chế về xây dựng, sắp xếp và kiện toàn bộ máy chính quyền tại Thành phố Thủ Đức; những vấn đề cơ chế, chính sách cho Thành phố Thủ Đức; vai trò của các cấp chính quyền, các bên liên quan trong xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Thủ Đức; cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của thành phố Thủ Đức đối với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

   Sau gần 03 giờ làm việc nghiêm túc, Hội thảo được chuẩn bị kỹ về nội dung, chương trình với 04 báo cáo tham luận và 05 ý kiến phát biểu trực tiếp tại Hội thảo cho thấy sự quan tâm những người tham dự Hội thảo.

   Kết luận Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tấn Phát tổng kết 05 kiến nghị giải pháp quan trọng sau:

   Một là, củng cố các hình thức bảo đảm quyền làm chủ của người dân, phát huy vai trò giám sát của HĐND Thành phố Thủ Đức, đổi mới tổ chức và hoạt động của UBND Thành phố Thủ Đức; đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho Thành phố Thủ Đức nhưng đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện.

   Hai là, tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất cơ quan Trung ương các cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh nói chung và Thành phố Thủ Đức nói riêng; mạnh dạn đề xuất Thành phố Thủ Đức là nơi thí điểm các chính sách mới. Từ mô hình này, Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, có thể đề xuất thành lập thêm các thành phố “vệ tinh” trong tương lai, trên cơ sở sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện hiện hữu (nếu đủ điều kiện), đảm bảo phù hợp với tình hình phát triển của địa phương và yêu cầu của thực tiễn.

   Ba là, gắn tiến trình xây dựng chính quyền địa phương tinh gọn, hiện đại với xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, cải cách hành chính, triệt để ứng dụng thành tựu công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chủ động đẩy mạnh số hóa dữ liệu thông tin, phần mềm quản lý nhằm xây dựng chính quyền số, Chính phủ điện tử. Phân cấp, phân quyền cho các đô thị đặc biệt như Thành phố Thủ Đức chính là thể hiện vai trò kiến tạo của Nhà nước, làm cho các chính sách, hoạt động trở nên gần dân hơn, hiệu lực và hiệu quả. Cần phân cấp, phân quyền nhiều hơn, nhất là về mặt tài chính để các địa phương có đủ nguồn lực và cơ chế giải quyết các nhu cầu cấp bách của địa phương.

   Bốn là, kiến nghị Trung ương cần sớm phân cấp, phân quyền cho Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Thủ Đức dưới dạng cơ chế đặc thù để giải quyết các vấn đề cấp thiết ở đô thị. Về mặt dài hạn, cần có Luật Đô thị đặc biệt để đáp ứng xu hướng phát triển đô thị hiện nay ở Việt Nam.

   Năm là, nghiên cứu giao cho Thành phố Thủ Đức thẩm quyền cấp tỉnh mà vẫn trong quản lý, kiểm soát của Thành phố Hồ Chí Minh về đội ngũ cán bộ chủ chốt và tài chính. Trước mắt, sớm hoàn chỉnh đề án phân cấp ủy quyền của Thành phố Hồ Chí Minh cho Thành phố Thủ Đức, đặc biệt là thẩm quyền của các sở, ngành ủy quyền cho thành phố Thủ Đức.

   Hội thảo thành công tốt đẹp và kết thúc lúc 11h30 cùng ngày.

PGS.TS. Nguyễn Tấn Phát - Thành ủy viên, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Cán bộ phát biểu khai mạc Hội thảo

PGS.TS. Nguyễn Tấn Phát - Thành ủy viên, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Dân - Chính - Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện và PGS. TS. Nguyễn Văn Y - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện và TS. Trần Tuấn Duy – Đảng ủy viên, Trưởng khoa Khoa Luật, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh điều hành Hội thảo

TS. Nguyễn Thị Thiện Trí - giảng viên Khoa Luật Hành chính, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu

Đại tá, TS. Nguyễn Văn Vi - Trường Đại học Trần Đại Nghĩa phát biểu

ThS. Nguyễn Thị Kim Dung – Phó Trưởng khoa Khoa Luật, Học viện Cán bộ phát biểu

ThS. Hà Thị Liên – Giảng viên khoa Quản lý hành chính, Học viện Cán bộ phát biểu

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM - Bí thư Thành ủy Thành phố Thủ Đức phát biểu

Đồng chí Phạm Phương Thảo - nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thắm - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu

Đồng chí Lê Xuân Viên - Phó trưởng Ban Đô thị, Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu

Toàn cảnh Hội thảo

Đại biểu tham dự Hội thảo bằng hình thức trực tuyến

Đại biểu tham dự Hội thảo chụp hình lưu niệm với các đồng chí lãnh đạo

Tin, ảnh: Thanh Tiên

.

Bản in
Các bài viết khác