Đoàn đại biểu của Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh chụp hình lưu niệm
với ThS. Phùng Minh Hải – Hiệu trưởng Trường Chính trị Cần Thơ
1. Tọa đàm khoa học “Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo qui định của Bộ Nội vụ”
Ngày 07/5/2019, tại Trường Chính trị Thành phố Đà Nẵng đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học trao đổi về “Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo qui định của Bộ Nội vụ” do Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Chính trị Thành phố Đà Nẵng cùng phối hợp tổ chức. Đây là cuộc tọa đàm đầu tiên của các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong đợt hoạt động thi đua lập thành tích chào mừng 70 năm truyền thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (1949 – 2019).
Tham dự buổi tọa đàm có TS. Vũ Anh Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Khu vực 3, lãnh đạo Sở Nội vụ, Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Đà Nẵng, đại diện lãnh đạo, giảng viên của các trường trong cụm thi đua số 1 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cùng một số các trường chính trị lân cận của thành phố Đà Nẵng.
Các đại biểu đã khẳng định sự đóng góp quan trọng của các trường chính trị đối với việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của địa phương đồng thời cũng trao đổi rất thẳng thắn những khó khăn, vướng mắc đã trở thành rào cản, ảnh hưởng tới chất lượng của công tác này: Cơ chế chính sách, sự phối hợp giữa các cơ quan tổ chức, sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị cùng thực hiện chương trình, về nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, sự cập nhật kiến thức mới, kiến thức thực tiễn…
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, ThS. Lê Thị Mộng Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Thành phố Đà Nẵng, cho rằng hệ thống các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nỗ lực để duy trì và đẩy mạnh xây dựng trường chính trị tỉnh, thành phố trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, có kiến thức vững vàng về quản lý nhà nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đáp ứng đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, trong thực tiễn việc thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, CCVC ở các trường chính trị tỉnh cũng còn một số khó khăn, vướng mắc; vì vậy mỗi trường, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mình đã có sự vận dụng sáng tạo, tháo gỡ khó khăn để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại trường.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, TS. Hoàng Thị Ngọc Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo Cán bộ Lê Hồng Phong (Thành phố Hà Nội) lưu ý đến vai trò và năng lực của người giảng viên tham gia các lớp bồi dưỡng. Nội dung chương trình bồi dưỡng thường ngắn gọn, có tính khái quát cao, thời gian ngắn, vì vậy đòi hỏi giảng viên bên cạnh kiến thức chuyên môn kinh nghiệm giảng dạy, phải có sự đầu tư thêm nhiều, cập nhật kiến thức, nghiệp vụ... để có được buổi lên lớp thành công.
Theo PGS.TS. Đinh Phương Duy, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Cán bộ, một trong những giải pháp quan trọng, đáp ứng được yêu cầu của việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, đó là phải sớm xây dựng được trường chính trị thông minh. “Thông minh” để các trường chính trị giải quyết được những vướng mắc một cách linh hoạt, để chất lượng đào tạo, bồi dưỡng những “học viên thông minh” đạt được hiệu quả tốt nhất.
Qua trao đổi, các ý kiến đều thống nhất, trước những vướng mắc đặt ra, các trường chính trị cần xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, phân công, qui định trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các ban ngành có liên quan tại địa phương. Có những khó khăn vượt quá thẩm quyền của các trường chính trị, không thể tự giải quyết được thì cần cùng kiến nghị với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, với Bộ Nội vụ để xem xét điều chỉnh để đảm bảo chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Kết thúc buổi tọa đàm, PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, đại diện cụm trưởng cụm thi đua số 1 của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cám ơn sự đóng góp thẳng thắn đầy tâm huyết của các đại biểu tham dự đối với chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; cám ơn sự đón tiếp nồng hậu, chu đáo của Trường Chính trị Thành phố Đà Nẵng đối với các đoàn đại biểu đến từ các trường chính trị, và khẳng định sự cần thiết tổ chức diễn đàn để các trường chính trị trao đổi những vấn đề thiết thực, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để tìm ra các cách thức hoạt động có hiệu quả hơn, xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ tâm – tầm – tài, đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ của địa phương, đất nước.
Một số hình ảnh của Tọa đàm:
PGS.TS. Trần Hoàng Ngân – Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh
phát biểu tại Tọa đàm
Đoàn đại biểu của Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh chụp hình lưu niệm
với ThS. Lê Thị Mộng Hà – Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Thành phố Đà Nẵng
2. Tọa đàm Thi đua lập thành tích chào mừng 70 năm truyền thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (1949 – 2019) của Cụm thi đua số 1
Ngày 08/5/2019, tại Trường Chính trị Thành phố Đà Nẵng, các đại biểu tiếp tục tham dự cuộc tọa đàm khoa học do PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì. Tham dự tọa đàm, có TS. Nguyễn Văn Thắng - Vụ trưởng Vụ các trường chính trị, lãnh đạo Ban thi đua khen thưởng của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; về phía đơn vị chủ nhà thành phố Đà Nẵng có Trưởng ban Thi đua Khen thưởng, lãnh đạo Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng cùng tham dự. Đoàn đại biểu của Học viện Cán bộ do PGS.TS. Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ làm trưởng đoàn, đã tham dự tọa đàm.
Các đại biểu đã trao đổi sôi nổi về hoạt động thi đua ở đơn vị mình, cách thức tổ chức thực hiện các phong trào thi đua, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm để công tác thi đua đi vào thực chất, phục vụ tốt nhất cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất khẳng định rằng, phong trào thi đua có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo động lực cho người lao động, thúc đẩy công chức, viên chức vượt qua khó khăn để phấn đấu thực hiện được các mục tiêu hoạt động. Phong trào thi đua cũng góp phần thúc đẩy năng lực sáng tạo của mỗi người, góp phần phát triển tư duy, nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước, thể hiện khát vọng và hình thành đam mê lao động chuyên nghiệp. Thi đua không phải là một phong trào chỉ để đạt được các danh hiệu cao quý mà là một chương trình hành động hướng tới những hiệu quả của quá trình lao động sáng tạo trong tương lai. Để công tác thi đua ngày càng thực chất và có ý nghĩa sâu sắc hơn, các nội dung đăng ký thi đua cần đa dạng, gắn với công việc cụ thể hàng ngày, đúng như lời nhắn nhủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua.
PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc ghi nhận và cảm ơn các đại biểu đã đóng góp ý kiến thiết thực để tìm ra các cách thức phù hợp để công tác thi đua trở thành hoạt động thường xuyên, gắn với việc thực hiện công việc của mỗi người, mỗi đơn vị. Mỗi trường chính trị cần tiếp tục phát động các phong trào thi đua yêu nước gắn với chủ đề “Đột phá - Sáng tạo - Chất lượng - Hiệu quả” do Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát động; tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giảng dạy tốt, học tập tốt, quản lý tốt, phục vụ tốt”, “Người tốt, việc tốt”, gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thực hiện nhiệm vụ chính trị, trọng tâm là nâng cao chất lượng công tác quản lý, giảng dạy, phục vụ giảng dạy. Đó là những việc làm thiết thực, đầy ý nghĩa để hướng tới kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (1949-2019).
Một số hình ảnh của Tọa đàm:
PGS.TS. Nguyễn Duy Bắc – Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
phát biểu tại Tọa đàm
PGS.TS. Đinh Phương Duy – Phó Giám đốc Thường trực
Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Tọa đàm
Tin, ảnh: P. Nga